Đặt chân trên ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Văn Thự, thôn Liếng, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là không gian thoáng mát, rộng rãi, sàn nhà được làm bằng gỗ phách và nứa. Qua thời gian, những tấm gỗ và phên nứa trở nên nhẵn nhụi như được đánh bằng vécni, mái nhà sàn được lợp bằng lá cọ tết lại với nhau rất chắc chắn. Trong căn nhà sàn của ông Thự, cái nắng nóng và cảm giác mệt mỏi chợt tan biến. Gia đình ông Thự đã có 4 thế hệ cùng sinh sống dưới ngôi nhà sàn này. Ông Thự cho biết: “Có nhiều người ở Hà Nội lên hỏi mua nhà sàn của bà con trong thôn với giá hàng trăm triệu đồng nhưng bà con kiên quyết không bán. Vì ai cũng nghĩ ngôi nhà sàn do ông bà, cha mẹ để lại, bán đi là có tội với tổ tiên”.
Vật liệu để làm nhà sàn thường làm bằng gỗ, mây, tre, nứa lấy trên rừng. Khung nhà sàn được làm bằng gỗ phách, kháo, lim… Sàn nhà và vách bao quanh nhà làm bằng tre, nứa, mái nhà được lợp bằng lá cọ tết lại với nhau. Tuy được dựng từ những vật liệu đơn sơ nhưng nhà sàn của người Tày rất vững chãi nhờ việc tạo tỷ lệ hợp lý trong kết cấu khung gỗ. Trong nhà thường có từ 7 đến 9 hàng cột, mái nhà có độ dốc tương đối lớn tạo điều kiện cho nước mưa thoát đi nhanh nhất. Trong nhà sàn, bếp được coi là bộ phận quan trọng nhất. Bếp được đặt chính giữa ngôi nhà, ngoài việc phục vụ đun nấu, bếp còn là nơi sưởi ấm cho ngôi nhà, giữ cho mọi thứ được khô ráo, là nơi mọi người quây quần sau một ngày làm việc vất vả. Bởi thế, bếp rất gần gũi và thiêng liêng đối với mỗi người dân tộc Tày.
Bước vào một ngôi nhà của người Tày sẽ thấy ngay cửa ra vào phía đầu hồi bên trái được đặt một chiếc cầu thang, thường có 7, 9 hoặc 11 bậc. Người Tày quan niệm nếu làm bậc thang là những số lẻ thì làm ăn sẽ tấn tới và mọi người trong gia đình sẽ gặp nhiều may mắn. Nhà sàn người Tày thường có cửa chính và cửa phụ, cửa chính được đặt ở cầu thang lên xuống, cửa phụ là nơi ra phía sàn phơi. Trong ngôi nhà sàn, gác có thể tận dụng để chứa nông sản. Về mùa hè, những phên nứa quanh nhà được chống lên để đón gió mát. Gầm nhà sàn thường được dùng để công cụ lao động, máy tuốt lúa, củi đun. Nhà sàn thường quay lưng lên núi, hướng mặt về phía có cảnh trí thiên nhiên thoáng đạt. Ngôi nhà sàn thể hiện rõ phong tục tập quán, nền nếp trật tự trong gia đình người Tày, phía gần cửa chính là nơi tiếp khách và diễn ra mọi hoạt động của nam giới, phía sau bàn thờ dành cho phụ nữ. Buồng ngủ trong nhà sàn người Tày được sắp xếp theo thứ tự: buồng con dâu cả ở gian đầu tiên rồi đến buồng con dâu thứ, con gái nếu chưa lấy chồng thì ở gian cuối. Sàn nhà được chia thành 2 phần, phần cao hơn được làm bằng những tấm gỗ dày dành cho những người lớn tuổi, phần dưới làm bằng nứa dành cho phụ nữ và trẻ em. Đây là một phong tục của người Tày trong ngôi nhà sàn tỏ sự tôn kính, lễ phép.
Nhà sàn người Tày là một không gian tinh thần chứa đựng những giá trị nhân sinh, tín ngưỡng, phong tục tập quán lâu đời. Do vậy cần có biện pháp bảo tồn, phát huy những giá trị văn hoá của ngôi nhà sàn truyền thống cho các thế hệ mai sau.