Nhà sàn chảy về xuôi

Share on FacebookShare on Google+Tweet about this on TwitterShare on LinkedIn
Cập nhật: 3/26/2011 - Số lượt đọc: 40550

Trưởng bản Vi Văn Thủy buồn bã, nói: “Nhà sàn là nơi người Thái ăn mừng tết độc lập mồng 2-9, Tết Nguyên đán và tổ chức đám cưới cho con cháu. Những ngày đó trên sàn các cụ ngồi uống rượu cần, trai gái quây lại múa lăm vông, quanh nhà thì ném còn, kéo co, nhảy sạp, khắc luống. Đó là phần hồn của bản Thái. Bây giờ thì…”.

Trong vòng ba năm nay có hàng trăm chiếc nhà sàn của người dân tộc Thái ở miền Tây Nghệ An lần lượt “đi” về xuôi rồi ngược ra Hà Nội, Hải Dương… Và bây giờ những điệu múa lăm vông mừng tết, mừng mùa lúa mới quanh vò rượu vít cong cần trúc của người Thái chỉ quanh quẩn bên những căn nhà cấp bốn buồn tẻ, lạc lõng. Đâu rồi hồn của bản quê…?

Săn nhà sàn

Khi tôi vừa bước vào quán cà phê nằm bên mé đồi mới vỡ cạnh hồ Thung Mây, thị trấn huyện Quỳ Hợp (Nghệ An), ba thanh niên đang tán gẫu liền chuyển sang đề tài gỗ lậu và buôn bán nhà sàn người Thái. Có lẽ họ đoán khách lạ dưới xuôi vùng này lên chỉ nhằm hai vụ đó. Khi biết tôi đang lùng nhà sàn, đặc biệt là nhà sàn Châu Thái, cả bọn họ đều chê: “Sếp muốn, bọn em cố vấn cho. Nhà sàn Châu Thái chỉ đẹp nước mộng mẹo thôi. Nhà to, lắm gỗ, phải chịu khó rẽ sang Châu Lý, Châu Sơn, Châu Lộc, ở đó trước đây có cả “một trời” nhà sàn. Tết đã đến nơi rồi, không nhanh chân thì chẳng còn cái ngon ăn đâu”. Tôi theo Kim, một tay lái xe ôm đường rừng, chuyên đem khách vào tận bản săn nhà sàn, lên đường trong chiều mưa…

Dọc đường rừng, Kim bảo: “Nếu “đỏ” thì mua được rẻ bởi buôn bán nhà sàn cũng “xanh, chín” lắm. Có khi hứng lên với phong trào mua xe máy Tàu là họ bán. Một người bản kéo theo nhiều người trong bản cùng bán”. Kim điểm tên những phường chuyên săn lùng nhà sàn từ huyện Yên Thành, Diễn Châu, Cửa Lò của Nghệ An lên, từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương vào. Gặp nhà thì chuyến xe ôm nào cũng được thưởng hậu hĩnh, khoảng 100.000 đồng cho mỗi chuyến đi vào Châu Lý chỉ độ 15km. Đa số phường săn đều là những đầu nậu gỗ lậu. Khi các nguồn gỗ rừng than hiếm thì họ quay sang mục tiêu “săn bắt” nhà sàn. Kim nói: “đi” nhà sàn không có luật nào bắt giữ. Phường săn bán cho những ông chủ lắm tiền, nhiều đất dựng nhà sàn làm nhà hàng giữa thị xã, thành phố, vùng biển… làm mốt chơi sang. Hơn nữa cột nhà, kèo hộp toàn bộ gỗ lim dừng tái chế mã cửa, thành tủ, tay vin cầu thang… Khỏi chê vào đâu được, nên người bán mặc sức hạ nhà, người mua tha hồ chở gỗ.

Hồn bản?

Trước khi quyết định bán nếp nhà của mình, người Thái nào cũng có cái lý riêng để trình ủy ban xã, xin giấy phép bán nhà. Có người chê nhà mình đã quá cũ, bán đi để sắm xe máy, tivi đời mới. Có người bán vì vỡ nợ do vay nóng làm ăn, tổ chức cưới dâu quá to… đủ lý do, nhưng lý do nào cũng không che được cảnh tình chua xót. Chiều 1-1-2003 tôi vào bản Cồn tìm ngôi nhà sàn “tam oai cổ nghé” (một loại nhà cổ đồ sộ, rất có giá) của ông Vi Văn T. ở xã Châu Lý, bởi nghe đồn suốt năm qua có khá nhiều thợ săn vào rình rập mà vẫn chưa ngã giá. Ông T. không giấu chuyện: “Nhà tôi hơn 30 khối gỗ lim, gồm 8 cột cái, mỗi cột cao 5,5m, đường kính 40cm, xà kèo đều lim một tiếng, xung quanh toàn ván dổi. Cách đây một năm, tôi định bán 140 triệu nhưng bà nó can. Vừa rồi có người lên trả 190 triệu thì bà nổi nóng tuyên bố nếu có “chết cũng chết trong ngôi nhà sàn mới yên”. Nổi nóng vì bà T. thừa biết hầu hết dân bản bán nhà sàn rồi khó lòng mà dựng lại khi rừng khe Xáo, khe Sâu đâu còn gỗ nữa, từ năm 1992 lâm tặc đã hạ hết rồi! Để chứng minh sự nổi nóng của mình, bà T. dẫn tôi bước xuống cầu thang nhà sàn chỉ hướng sang nhà ông Hạnh: “Nhà này cũng hai gian bề thế toàn gỗ lim nhưng chỉ bán được 20 triệu đồng. Bán xong xây nhà cấp bốn bằng gạch táp lô vôi cũng vừa hết 20 triệu. Thế là vỡ mộng bán nhà mua xe Tàu. Sau đó phải bán nốt hai con trâu mới đủ tiền trả công thợ”.

Rời bản Cồn tôi đi sâu vào bản Bàng. Bản Bàng thơ mộng ẩn hiện dưới chân dãy núi làng Cồn nằm bên dòng suối nhỏ bốn mùa nước xanh màu lá. Vừa vào đến đầu bản tôi đã gặp những nền đất trống trơ cỏ dại. Đấy là dấu vết còn lại của ngôi nhà sàn đã bán. Bí thư chi bộ bản Mạc Văn Huyền - thành thật nói: “Cả bản có 111 hộ thì 12 hộ đã đồng loạt bán nhà từ năm 1999. Khả năng còn bán nữa vì cái ăn, cái ốm nó chưa tha bản Bàng”.

Già làng Phan thì nhận xét: “Bây giờ hết rừng rồi, mua sắt thì dễ, mua gỗ mới khó chú ạ!”. Lời đau đáu của già Phan giục chân tôi bước về vùng nhà xây cấp bốn nhỏ hẹp hiện lên lạc lõng giữa những mái nhà sàn. Bên vùng nhà cấp bốn là nhà lều của anh Lượng và nhà lán ông Hậu do muốn thay cũ đổi mới nên chịu cảnh mất nhà.

Nhà sàn vẫn “đi”

Xã Châu Lý có 16 bản, bản nào cũng có nhiều người bán nhà sàn. Tôi đã chứng kiến cảnh nhà sàn nằm phơi mưa nắng dọc đường vào bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu hoặc chất cao trong xưởng của một số cơ sở cưa xẻ gỗ tại thị trấn huyện này. Ở đây những tay buôn cỡ lớn thạo đường vô bản, kẻ cả những bản xa ôtô không vào được, dùng camera ghi hình rồi đánh dấu vị trí từng cái cột, kèo vào máy vi tính xách tay trước khi dỡ nhà. Sau đó thuê xe bò, xe công nông kéo nhà sàn về dựng lên trên vườn đất trống để chào hàng. Bán xong chiếc này họ dựng lên chiếc khác. Giá mỗi nếp nhà sàn mua tại gốc bán tận ngọn bao giờ cũng lãi gấp 4 lần (chưa kể mỗi chuyến chuyên chở không quên kèm theo ít nhiều gỗ lậu) cho nên nạn “chảy máu” nhà sàn như một vết thương đã và đang còn tấy đỏ lên.

Bán nhà sàn đã trở thành “nỗi lo nhức nhối” của hầu hết lãnh đạo các xã vùng cao khi bảy trong số mười huyện miền núi Nghệ An (trên 150 xã) dọc quốc lộ 7 và tỉnh lộ 48 nhà sàn liên tiếp bị hạ. Cách gì và giải pháp nào để “hạ nhiệt” nạn săn, bán nhà sàn nhằm lưu giữ nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái? Bí thư đảng ủy xã Châu Lý Nguyễn Văn Phụng, tâm sự: “Có thời kỳ bức bối quá, xã làm liều một trạm chắn nhưng không tài nào ngăn giữ được nhà sàn và gỗ lậu. Biết đặt trạm là sai, chúng tôi bỏ trạm, tìm cách vận động dân bản cố giữ lấy ngôi nhà của mình. Ba năm nay tất cả chỉ thị, nghị quyết của đảng ủy và chính quyền đều không quên đề cập vấn đề “chảy máu” nhà sàn. Đến mức chúng tôi phải quyết định dựng trụ sở UBND xã bằng nhà sàn giữa sân vận động để có thêm một cách thức tỉnh dân bản".

Từ khóa: Nhà sàn chảy về xuôi,
0983873164
0983873164Facebook: 100065408502317Zalo: 0983873164