Năm 1989, hoạ sĩ Bùi Hữu Nùng mua lại ngôi nhà sàn Mường của một kiến trúc sư đem từ Hoà Bình về Hà Nội. Ngôi nhà sàn mái ngói, cột gỗ rộng 40 m2 này tỏ ra thích hợp với mảnh đất trũng thấp cạnh đê của anh. Bùi Hữu Nùng dùng nơi đây làm xưởng vẽ sơn mài và chỗ để sưu tập gốm, tượng Phật. Nó nhanh chóng nổi tiếng với cái tên nhà sàn Quảng Bá, trở thành một xưởng sơn mài lớn và có thể coi là chiếc nhà sàn hoạ sĩ đầu tiên ở Hà Nội.
Nhà sàn của hoạ sĩ Anh Khánh - Mai Hiên. |
Nhưng phong trào dựng nhà sàn hoạ sĩ chỉ thực sự có sau khi tác phẩm của hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức ra đời năm 1992 trên đường Bưởi. Chủ nhân của nó là con trai thứ nhà văn Kim Lân, em ruột hoạ sĩ Thành Chương. Anh Đức đã nghiễm nhiên trở thành chuyên gia thiết kế nhà sàn. Anh mua bộ khung nhà sàn Mường ở Hoà Bình 3 triệu đồng, dựng lên hoàn tất trên khoảnh đất trũng xung quanh ao hồ ở Cống Vị với giá 7 triệu. Bên ngoài ngôi nhà được thiết kế hết sức thôn dã. Cũng chính anh Đức đã tham gia tìm, mua và dựng nhà sàn Anh Khánh - Mai Hiên ở Gia Lâm và nhà sàn của Thành Chương ở Sóc Sơn. Nhà sàn Anh Khánh - Mai Hiên vốn là nhà của một quan lang người Mường ở Mai Châu, Hoà Bình, rộng gần 100 m2, cao 7 mét, có tới 28 cột, cột cái cao 5 mét toạ lạc trên mảnh đất rộng 1.800 m2, xung quanh có vườn cây, ao cá, suối chảy. Cách đó khoảng 50 m, phía bên ngoài đê là hai nhà sàn mái ngói mới dựng của Vũ Dân Tân và Lê Hồng Thái.
Những ngôi nhà sàn to nhất hiện nay cũng không quá 100 triệu đồng sau khi hoàn thành. Nhà sàn Mai Hiên - Anh Khánh mua từ năm 1995 với giá 55 triệu đồng, Thành Chương mua 80 triệu vào năm 2001. Họ thường mua bộ khung gỗ từ các vùng dân tộc, miền núi với giá trên dưới 20 triệu rồi thuê thợ tháo ra chở về. Dựng một ngôi nhà mất 2-5 tháng. Lâu nhất là khâu vận chuyển, vì những ngôi nhà sàn hợp ý thường ở rất xa đường quốc lộ, có khi phải thuê trâu kéo gỗ cả ngày mới ra tới đường cái. Về đến Hà Nội, nhà sàn phải chịu một số nắn bóp cho phù hợp với những thẻo đất nhỏ nhoi ở thành phố. Gầm sàn được nâng cao lên 1,4-2,5 m, hành lang 4 bên bị cúp bớt, cầu thang được dựng thêm, thay mới mái tranh hoặc mái ngói (nếu dùng mái ngói thì phải thay cả rui mè, đòn tay). Các hoạ sĩ thường cố gắng giữ nguyên vẻ nguyên sơ, thô mộc của nhà sàn nên họ hạn chế tổi thiểu sự thay đổi. Hầu hết các nhà sàn hoạ sĩ không bào nhẵn, đánh véc ni và hạn chế các đồ đạc hiện đại.